Pages

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Thuong hieu thanh pho va uoc mo dau nam

Số lượt xem: 183
Gửi lúc 16:10' 15/01/2010

Thương hiệu thành phố và ước mơ đầu năm


Khi đọc lại Ai đã đặt tên cho dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhân dịp bút ký đậm chất thơ này được đưa vào sách ngữ văn lớp 12, bỗng nhiên tôi thấy chạnh lòng.

Thành phố nơi tôi đã sống gần nửa đời người cũng có một dòng sông chảy qua, nhưng không biết đến bao giờ sông Sài Gòn mới được một ai đó viết cho những lời tha thiết như Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết cho sông Hương, dù ai cũng dễ dàng nhận thấy tầm quan trọng của dòng sông này trong lịch sử hơn 300 năm của thành phố.

Không chỉ có tàu bè ngược xuôi, sông Sài Gòn cũng có những khúc sông nước trong vắt rọi bóng dừa xanh hai bên bờ, những dề lục bình hoa tím ken lá xanh bập bềnh trôi, dòng sông hiền hòa đã chứng kiến bao biến cố lịch sử, bao thăng trầm của những người dân nơi đây từ thời Gia Định trấn, Thủ đô Sài Gòn một thời đất nước bị chia cắt tới TP.HCM hôm nay.

Đi tìm ấn tượng Sài Gòn

 

Đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành "đặc sản" ngày Xuân của TP.HCM

Mà không chỉ có dòng sông, dường như thành phố nó chảy qua cũng không ghi được nhiều ấn tượng trong lòng du khách. Những bài hát đáng nhớ về Sài Gòn lẫn TP.HCM có lẽ chỉ đếm được trên một bàn tay, phổ biến nhất vẫn là câu hát "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi!" của nhạc sĩ Y Vân. Cho dù có biên khảo Sài Gòn năm xưa của học giả Vương Hồng Sển, Bến Nghé xưa của nhà văn Sơn Nam nhưng nếu phải giới thiệu về thành phố trong một câu ngắn gọn, chắc nhiều người Sài Gòn chính hiệu cũng thấy lúng túng.

Khi gặp những người nước ngoài từng ghé thăm thành phố, tôi hay hỏi họ điều gây ấn tượng mạnh nhất là gì. Các câu trả lời thường giống nhau: xe cộ nhìn muốn chóng mặt, dòng người qua lại như không bao giờ dứt (cũng may chưa nghe họ nhắc tới cảnh ngập lụt hay kẹt xe) và địa đạo Củ Chi. Có thể vì thời gian thăm thành phố quá ngắn ngủi, cũng có thể do chúng ta chưa xây dựng được một hình ảnh nào vừa dễ nhớ vừa phù hợp và tương xứng với tầm vóc một thành phố 10 triệu dân, cũng là trung tâm kinh tế, thương mại, giải trí, truyền thông của cả nước.

Nếu Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ… được gắn liền với những danh hiệu phản ánh lịch sử hay đặc tính địa phương như Thăng Long - đất rồng bay, thành phố hoa phượng đỏ, đất Thần Kinh, xứ hoa đào, Tây đô… thì thành phố ta vẫn chưa có được một biểu tượng chính thức hay hình ảnh nào rõ rệt cho dù đây là một trong những điều cần thiết để thu hút du khách và khiến người ta dễ nhớ.

Không phải ngẫu nhiên mà những thành phố lớn trên thế giới đều có biệt danh như Vienne - thủ đô âm nhạc, Paris - kinh đô ánh sáng, Thượng Hải - Paris Đông phương, New York - quả táo lớn, Rio de Jainero - thành phố lễ hội, Seoul - thành phố không bao giờ ngủ… cho dù xuất phát từ quan điểm chủ quan hay thực tế khách quan thì những mỹ từ ấy cũng nghiễm nhiên trở thành "thương hiệu".

Gian nan xây dựng thương hiệu

 

TP.HCM lộng lẫy đèn hoa mừng năm mới

Tuy nhiên thương hiệu của một thành phố không phải bỗng dưng mà có hay do "tự phong" mà là kết quả của một quá trình xây dựng, phát triển và gìn giữ. Thái Lan đã xây dựng thành công thương hiệu "đất nước của những nụ cười", tạo được ấn tượng tốt với thế giới cùng xóa đi những hình ảnh của công nghệ du lịch "bốn chữ S" (sun, sand, sea, sex) trong thập niên 1970.

Đáng nói là hầu như mọi người Thái đều nỗ lực để gìn giữ và phát triển thương hiệu này, nên cho dù Bangkok biểu tình ầm ĩ suốt bảy tháng trời, ngành du lịch Thái vẫn đón được 15 triệu khách trong năm 2008. Hãng lữ hành Hannibal - Marco Polo tại Bắc Âu để quảng cáo tour du lịch Việt Nam đã dùng hình ảnh một cô gái đội nón lá tươi cười và lời chú thích "Người Việt cũng hay cười như người Thái", một câu quảng cáo thấy mà đau lòng.

Trong mười năm qua thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của công nghiệp du lịch. Có thể nói thế kỷ XXI là thế kỷ du lịch khi chỉ trừ những nước Phi châu có chiến tranh, hầu như tất cả các quốc gia, dù rộng lớn hay nhỏ bé, giàu có như Mỹ, Canada, Nhật, Đức… hay nghèo như Lào, đều chú trọng phát triển du lịch. Đến như đảo Greenland xa xôi lạnh lẽo cũng tổ chức tour.

Theo tổ chức World Tourism Organization (UNWTO) thì trong tám tháng đầu năm 2008 số người đi du lịch nước ngoài là 642 triệu, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2007. Tuy nhiên do ảnh hưởng của suy thoái tài chính số du khách năm 2009 sẽ không tăng so với năm 2008, du khách cũng có khuynh hướng đi gần hơn hoặc chọn những tuyến nội địa, thời gian lưu lại cũng sẽ ngắn hơn để giảm chi phí. Cạnh tranh giữa các nước xem công nghiệp du lịch là trọng điểm sẽ khốc liệt hơn, thương hiệu của một nước hay một thành phố lại càng giữ vai trò quan trọng hơn bao giờ.

"Hòn ngọc Viễn Đông" khi nào tỏa sáng?

 

Tòa nhà Ủy ban Nhân dân TP.HCM rực rỡ trong đêm

Những năm 1950, 1960, Sài Gòn đã được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông". Đáng tiếc là trong những năm 1970-1980 thành phố đã mất đi vị thế trước đây trong khi Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur nhanh chóng vượt lên trước. Sự phát triển nhanh chóng của TP.HCM trong mười năm trở lại đây trong bối cảnh cả nước đang cố gắng "vượt vũ môn" để hóa rồng, chính là cơ sở để chúng ta nghĩ đến việc khôi phục và nâng danh hiệu lên thành thương hiệu cho xứng với tầm quan trọng của thành phố đối với cả nước và khu vực. Hẳn sẽ có ý kiến cho rằng "Hòn ngọc Viễn Đông" là chuyện của quá khứ nhưng thành phố nào mà không có sự kế thừa truyền thống, như Hà Nội tiếp nối Thăng Long hay Huế từ Phú Xuân mà có.

Cũng như hội họa phải được ngắm từ xa, thành phố trong trí nhớ những người đi xa dường như đẹp hơn, xanh hơn, ít bụi và nắng hơn, dòng sông có vẻ thơ mộng hơn và nhịp sống tất bật, hối hả của thành phố cũng trở nên dễ thương hơn. Cho nên nếu được ước một điều cho năm mới, tôi sẽ ước thành phố với bao nhiêu người thân yêu của tôi sẽ lại có một ngày tự hào với thương hiệu "Hòn ngọc Viễn Đông".


Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Thương hiệu thành phố và ước mơ đầu năm

0 nhận xét

Đăng nhận xét