Pages

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

The nao la mot chien luoc thuong hieu?

Số lượt xem: 939
Gửi lúc 22:58' 11/08/2009

Thế nào là một chiến lược thương hiệu?


Một thương hiệu mạnh không thể tự nhiên xuất hiện. Phát triển một thương hiệu mạnh đòi hỏi cần cả tư duy sáng tạo và tư duy chiến lược để tạo nên sự nhận biết và sự trải nghiệm về thương hiệu đó.



Giá cả, chất lượng dịch vụ, công nghệ hiện đại có thể là những vũ khí sắc bén của bạn, nhưng đâu là lợi thế cạnh tranh của bạn? Một chiến lược thương hiệu hoàn chỉnh sẽ hỗ trợ bạn trở nên hơn hẳn so với những đối thủ còn lại.

 

Bài viết này đưa ra khái niệm và chiến lược dựa trên cách thức khác biệt hóa. Chiến lược nào tác động đến khách hàng / người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn và quyết định mua hàng của họ?

 

Khoảng 95% thời gian các nhà quản trị của các công ty cạnh tranh nhau đều làm những việc tương tự nhau. Đó là tập trung vào việc quản lý. Nếu bạn là 1 CEO của một nhà cung cấp dịch vụ công nghệ không dây, điều bạn cố gắng làm là tận dụng ưu thế công nghệ và cơ sở hạ tầng của mình để thực hiện cam kết với khách hàng về chất lượng cuộc gọi, các ứng dụng hỗ trợ, dịch vụ khách hàng tốt, những dịch vụ cộng thêm hấp dẫn khác, và giá cả cạnh tranh. Thật tốt, nhưng đối thủ cạnh tranh của bạn cũng có những kế hoạch hiệu quả tương tự thì sao? 5% thời gian còn lại, công việc họ làm là tạo ra sự khác biệt thông qua một chiến lược rõ ràng. Vị nữ giám đốc điều hành của Southwest Airlines, hãng hàng không lớn nhất của nước Mỹ, dành phần lớn thời gian của mình làm những công việc quản lý mà bà đã được học từ hồi ở trưởng đại học, nhưng công ty của bà đã có một chiến lược xuất sắc khi tung ra Dịch vụ hàng không không cần vé, và một bữa ăn nhẹ trong khi ngồi đợi máy bay.

 

Làm tốt công việc mà bạn được trông mong – là điều kiện tiên quyết trong môi trường cạnh tranh. Nhưng nó dứt khóat không phải là tư duy chiến lược . Trở thành tốt hơn – Sự nỗ lực đáng được ca ngợi, nhưng đáng tiếc cũng không phải, vì nó không phải mang tính chất lâu dài. Ngày nay giá trị hàng hóa có khuynh hướng xích lại gần nhau, không còn nhiều sự cách biệt về giá cả / chi phí, chất lượng sản phẩm và nét đặc trưng, công nghệ tiên tiến, dịch vụ tốt. Tuy nhiên, bạn muốn nổi bật? Bạn phải đem lại cho khách hàng nhiều lợi ích hơn đối thủ cuả bạn, với giá cao hơn, tương đương hay thấp hơn – hay đem lại ít lợi ích hơn với giá cạnh tranh hơn. Tất cả những yếu tố đó đều là vũ khí cạnh tranh của bạn, nhưng không phải một chiến lược dài hạn.

 

Bạn cũng có thể đưa ra những lợi thế khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, bằng cách đáp ứng những nhu cầu chưa được thỏa mãn trong chủng loại sản phẩm của bạn. Một ví dụ về Nokia, công ty đã làm được điều đó bằng cuộc cách mạng mang đến cho điện thoại di động  những chức năng thời trang và giải trí. Có thể Nokia không xem đó là rào ngăn những đối thủ cạnh tranh khác, vì trong thế giới kinh doanh thì rất khó tồn tại một  vị thế độc quyền nào cả. Tuy nhiên, điều đó bắt chước rất khó – và có thể nó đã tạo cho Nokia một vị thế mạnh hơn hẳn các đối thủ còn lại. Yếu tố lợi thế khác biệt là không thể thiếu trong môi truờng cạnh tranh khốc liệt ngày nay.

 

Vậy đâu là một chiến lược thật sự? Theo định nghĩa, chiến lược là con đường mà bạn vạch ra để đạt được mục tiêu của bạn. Trong môi trường cạnh tranh, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là được người tiêu dùng ưa chuộng hơn hẳn đối thủ của bạn. Đó là lý do tại sao một chiến lược tốt đóng vai trò là đường hướng giúp bạn vạch ra kế hoạch đạt được những lợi thế hơn hẳn đối thủ cạnh tranh – dưới mắt người tiêu dùng. Và hầu như sự ưa chuộng chỉ có thể đạt được nhờ yếu tố khác biệt hóa, mang lại cho khách hàng những lợi ích mà đối thủ bạn không làm được. Bằng việc khác biệt hóa bạn đã đem đến cho khách hàng những lý do để có cơ hội / quyết định mua hàng của bạn nhiều hơn  (và nếu bạn là một nhà chiến lược xuất sắc – khách hàng sẽ chỉ mua hàng của bạn!)

 

Có 3 phương thức khác biệt hóa, nhưng chỉ có 1 phương thức xây dựng kèm theo nó một chiến lược (chiến lược khác biệt hóa). Khác biệt hóa ngắn hạn sử dụng những phương thức khuyến mãi tạo ra sự khác biệt, tương tự như một đợt giảm giá mạnh. Khác biệt hóa từng phần cũng giống như dành vị thế độc quyền ở một yếu tố nào đó, hoặc  tạo ra mối quan hệ thân thiết giữa khàch hàng và nhân viên, hay chiếm lấy một địa điểm thuận tiện…Tuy nhiên phương thức khác biệt hóa mà chúng ta đang hướng đến là chiến lược khác biệt hóa bằng cách chiếm lấy một lợi thế trong dài hạn.

 

Khác biệt hóa có thật sự cần thiết? Trong tất cả các trường hợp mà người tiêu dùng có sự lựa chọn – câu trả lời là có. Tại sao? Bởi vì người tiêu dùng sẽ lựa chọn dựa trên những nền tảng khác biệt trong nhận thức của họ. Chỉ một vài giây cho sự lựa chọn, thật ít ỏi. Nhưng sự thành công thất bại nằm trong tình huống đó: người tiêu dùng sẽ chọn lựa dựa trên sự nhận thức về những khác biệt giữa nhiều yếu tố, không dựa trên giá trị sản phẩm mà phụ thuộc vào giá trị được cảm nhận của họ. Hơn nữa, không có nhiều lựa chọn trên thị trường đem đến cho khách hàng những lý do thật sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn khi người tiêu dùng lựa chọn 1 chiếc xe, tất cả những thương hiệu và kiểu dáng nổi tiếng đều nhằm đem lại cho khách hàng những yếu tố được xem là quan trọng nhất như: công dụng, sự tin cậy, an toàn, tiện lợi Việc lựa chọn thương hiệu và kiểu dáng sẽ dựa trên những thứ được xem là kém quan trọng hơn, chẳng hạn như việc thiết kế đèn chiếu hậu như thế nào !

 

Chiến lược cạnh tranh , dù là bắt nguồn từ một ý tưởng hay một khái niệm được sử dụng để tạo nên lợi thế so với đối thủ cạnh tranh ở một điểm nào đó trong nhận thức khách hàng, cần phải đáp ứng được 2 yêu cầu. Thứ nhất: Đâu là nhóm khách hàng tiềm năng của bạn ? "Nhóm" không có nghĩa là một tập thể xã hội hay địa lý có cùng một vài điểm chung về tính cách hay lối sống. Tôi muốn hướng đến những người có thể chấp nhận những lợi ích mà bạn đem lại, và những lợi ích đó đủ hấp dẫn họ hơn hẳn những lựa chọn trước đây của họ, hay ít nhất là một điều mới mẻ nào đó đối với họ. Thứ hai: Bạn sẽ đem lại cho họ những gì mà bạn cho là có tiềm năng? Chiến lược cạnh tranh là một khái niệm để trả lời 2 câu hỏi trên.

 

Như vậy, một chiến lược không phải là một "cuộc thi sắc đẹp" hay một "cuộc thăm dò ý kiến". Mục tiêu sẽ không phải là đạt được sự ưa thích của tất cả mọi người. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng chìa khóa chính là tạo ra một nhóm đặc biệt – cho dù nhỏ -  tin tưởng rằng bạn không thể thay thế được. Họ hoạt động như một bộ máy thành công của bạn, cho dù họ không thật sự có thái độ như vậy. Người đam mê BMW không tin rằng Mercedes là một chiếc xe tồi, nhưng đơn giản không thích nó vì nó không phải là BMW. Đối với họ, Mercedes không thể so sánh được với BMW. Người hâm mộ Apple cũng nghĩ tương tự đối với IBM.

 

Vậy những yếu tố trên tác động đến một thương hiệu như thế nào? Thương hiệu là một hình ảnh độc đáo và rõ nét trong nhận thức của khách hàng, hay đem đến cho họ những lợi ích đặc biệt khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ được sản xuất/cung cấp bởi một công ty đặc biệt. Ví dụ, hình ảnh về chuyến du lịch đến Paris thường được mang theo hình ảnh một kì nghỉ lãng mạn. Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng một thương hiệu sẽ chỉ thật sự là thương hiệu khi nó tồn tại ở mọi nơi xung quanh người tiêu dùng, chứ không phải trong suy nghĩ của họ. Nếu một hình ảnh đã đủ hấp dẫn và khác biệt – bạn có thể gọi nó là một thương hiệu mạnh. Một cái tên hay một biểu trưng quen thuộc – không đủ để tạo thành một thương hiệu.

 

Quyết định của một công ty giúp tạo ra những lợi ích đặc trưng cho nhóm khách hàng của mình – đem lại tiềm năng cho công việc kinh doanh – giúp nhận diện đâu là cơ hội, và đâu là khái niệm được sử dụng để mang lại lợi ích cho khách hàng, sẽ là một quyết định thể hiện tư duy chiến lược của công ty. Nếu như sự lựa chọn của khách hàng kèm theo những yếu tố tâm lý, như trong thị trường nước hoa ( cảm nhận của khách hàng), hay những yếu tố xã hội, như sự thể hiện đẳng cấp (những hình ảnh biểu trưng cho đẳng cấp), quyết định càng cần phải thể hiện được tầm nhìn chiến lược của công ty.

 

Trong vòng vài năm gần đây, vai trò của thương hiệu trong lĩnh vực marketing đã thay đổi rất nhanh chóng. Trước đây, chúng ta thường sử dụng "thương hiệu" tồn tại kèm theo tên công ty và sản phẩm, là công cụ hỗ trợ chúng trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng, hay còn gọi là "đánh bóng nhãn hiệu". Ngày nay mọi thứ khác hẳn, việc phát triển một thương hiệu phải bao gồm việc thiết lập và thực hiện đường lối nhờ đó đem đến giá trị cho khách hàng. Những điểm nhấn giúp phát triển sản phẩm và dịch vụ sẽ được chú trọng  thiết kế mang lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng, và thông qua đó đạt được mục đích của công ty. Tất cả những diều đó giúp xây dựng nên một chiến lược thương hiệu.

 

Vai trò chiến lược của việc xây dựng thương hiệu  được phát triển dựa trên khái niệm thương hiệu ngày càng mở rộng. Ngày nay, việc xây dựng thương hiệu không chỉ là việc lôi kéo nhận thức và mong muốn của khách hàng về mình, mà nó còn là việc tạo lập một hệ thống bao gồm sự kết hợp giữa sự cam kết và thiết lập hình tượng trong nhận thức khách hàng, cùng với việc chuyển tải và thực hiện sự cam kết đó.

 

Dan Herman (Ngọc QuangCông ty Thương Hiệu LANTABRAND – sưu tập và lược dịch)



Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Thế nào là một chiến lược thương hiệu?

0 nhận xét

Đăng nhận xét