Pages

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Web the he moi

Số lượt xem: 459
Gửi lúc 09:09' 01/08/2009

Web thế hệ mới

Web đang chuyển mình bước vào thời kỳ mới tinh tế hơn. Chúng ta đã từng tốn thời gian chỉ cho việc ngao du trên Internet, đọc và tải về bất cứ thứ gì có thể tìm thấy. Giờ đây chúng ta có cơ hội để thể hiện "cái tôi" của mình qua việc chia sẻ quan điểm, hình ảnh; trao đổi với người khác bằng văn bản, tiếng nói và video hay bổ sung dữ liệu của mình vào bản đồ thế giới.


Sẵn sàng cho cuộc cách mạng trực tuyến?

Những công cụ web thế hệ mới giúp bạn làm việc, tìm kiếm, liên lạc và chia sẻ thông tin theo cách mà bạn muốn và miễn phí.

Web đang chuyển mình bước vào thời kỳ mới tinh tế hơn. Chúng ta đã từng tốn thời gian chỉ cho việc ngao du trên Internet, đọc và tải về bất cứ thứ gì có thể tìm thấy. Giờ đây chúng ta có cơ hội để thể hiện "cái tôi" của mình qua việc chia sẻ quan điểm, hình ảnh; trao đổi với người khác bằng văn bản, tiếng nói và video hay bổ sung dữ liệu của mình vào bản đồ thế giới.

Các ứng dụng chạy trong trình duyệt giờ đây làm việc nhanh không kém các ứng dụng cài đặt trên PC, đó là nhờ các kỹ thuật lập trình mới như Ajax và Ruby on Rails. Các công nghệ mới cho phép thực hiện nhiều tác vụ hơn tại PC của người dùng, điều này có nghĩa ít phải trao đổi qua lại với máy chủ web hơn. Các chương trình chạy trên trình duyệt giờ đây có thể tương tác dễ dàng hơn với các website. Ví dụ như Google, Amazon và các site lớn khác cho phép mọi người tạo ứng dụng móc nối tới dữ liệu của mình thông qua thư viện lập trình API.

Việc chuyển từ thụ hưởng sang tham gia là thay đổi then chốt trong cuộc cách mạng web. Việc đưa lên mạng hình ảnh, tài liệu và các thông tin khác giờ đây dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhiều site cho phép chúng ta thêm từ khóa hay thẻ (tag) gán nhãn cho các bức ảnh, video, liên kết và các tài nguyên khác. Ví dụ, bạn có thể thêm thẻ "Barcelona" vào bức ảnh chụp trong chuyến du lịch đến Tây Ban Nha. Các file có thẻ kèm theo có thể kết hợp với nội dung tương tự từ những người khác. Các thẻ cũng có thể dùng để tìm kiếm, nhóm lại. Chúng ta có thể dùng thẻ để khám phá những nội dung thú vị mà không thể thực hiện được với các cỗ máy tìm kiếm thông thường.

Dưới đây là một số site và dịch vụ thú vị và hữu ích thuộc thế hệ mới (được gọi là Web 2.0). Tất cả hứa hẹn cung cấp những gì tốt nhất cho việc sử dụng Internet.

ỨNG DỤNG TRONG TRÌNH DUYỆT

   

NHỮNG SITE NỔI BẬT

 
 

• Web mail: Gmail cho dung lượng hộp thư gần 3GB, có các nhãn cho phép tìm nhanh thư cũ.
• Site làm việc: ThinkFree Office Online là bản sao của Microsoft Office với dung lượng lưu trữ trực tuyến đến 30MB.
• Chia sẻ hình ảnh: Flickr không chỉ cho tải lên, xem, chia sẻ hình ảnh đơn giản và nhanh chóng, mà nó còn có thể kết nối dễ dàng với các dịch vụ blog và bản đồ.
• Chia sẻ địa chỉ: Bằng cách chia sẻ và tạo thẻ các trang web hay ở Del.icio.us, bạn đã đóng góp cho cộng đồng cư dân trên mạng và chính bạn cũng được hưởng lợi.
• Chia sẻ video: Blip.tv cung cấp video trực tuyến, cho bạn các thẻ nhận dạng, nguồn tin video clip và kho lưu trữ (miễn phí) ở Internet Archive (archive.org).

 

Nếu đã quen với quy trình nhấn và chờ của trình duyệt web, bạn sẽ ngạc nhiên với tốc độ của các ứng dụng trên web hiện nay. Ajax và các công nghệ khác đem đến cho ứng dụng trên trình duyệt những tính năng và tốc độ đáp ứng của ứng dụng trên desktop (ứng dụng cài đặt trên PC).

Web mail thế hệ mới

Outlook trực tuyến (outlooklive.msn.com): Dữ liệu Outlook sẽ theo bạn mọi nơi. Chương trình hàng đầu của Microsoft dùng cho việc quản lý email, danh sách liên hệ và lịch công việc giờ đã có thể "du hành". Với phí 45USD/năm, bạn có thể mang theo tất cả tính năng của Outlook mọi nơi, thông qua tài khoản Hotmail hay MSN. Giống như phiên bản trên desktop, Outlook Live cho phép bạn xem và quản lý nhiều tài khoản email, lịch công việc và danh sách liên hệ. Tuy nhiên, dung lượng mail giới hạn 2GB và thông điệp gửi đi không quá 20MB.

Tùy biến giao diện Windows Live

 

Windows lên web (www.live.com): Microsoft đã nhanh chóng bước lên chuyến tàu web thế hệ mới với bản beta của dịch vụ Windows Live miễn phí. Bạn có thể kết nối đến tài khoản Hotmail, lấy các nguồn tin và lưu các địa chỉ web ưa thích (Favorites) trực tuyến. Bản beta chưa có dịch vụ mail như kiểu Gmail, trình chat Messenger trên web và thiếu nhiều tiện ích bảo mật.

Gmail dẫn đầu (www.gmail.com): Web mail đã có nhiều năm trước khi Google đưa ra dịch vụ Gmail miễn phí vào năm 2004. Điều tạo nên sự khác biệt của Gmail và đánh dấu sự khởi đầu thời đại web mới là tốc độ đáp ứng của nó cũng như khả năng lọc spam và dung lượng khổng lồ (hiện tại là 3GB cho mỗi tài khoản). Bạn cần sao lưu các file quan trọng? Chỉ việc gửi chúng đến tài khoản Gmail, ở đó bạn có thể sắp xếp và tìm kiếm thông điệp dùng các thẻ. Cả Hotmail và Yahoo đều đang phát triển phiên bản giống Gmail.

Website làm việc

 

Gán từ khoá trong Gmail để theo dõi thư dễ hơn.

Họp với JotSpot (www.jot.com): Các site wiki cho phép mọi người dễ dàng bổ sung văn bản, hình ảnh và thậm chí cả file trên một trang web. JotSpot là một wiki cho phép các thành viên ở những nơi cách xa nhau làm việc trên cùng một trang. Người ta có thể tạo, chỉnh sửa và đọc trang wiki mà không cần phải có kiến thức về HTML. Trang này có thể là blog, mạng nội bộ công ty, cơ sở dữ liệu, công cụ quản lý công việc nhóm hay bất kỳ thứ gì khác mà các thành viên của nhóm cần thiết lập trực tuyến. Dịch vụ này miễn phí cho 5 người dùng với 20 trang web (yêu cầu đăng ký), và từ 9-49USD/tháng cho nhiều người dùng với nhiều trang web hơn. Một dịch vụ liên quan, JotSpot Live, cho phép nhóm làm việc nhập các thảo luận theo thời gian thực trên cùng trang web.

ThinkFree đưa ứng dụng văn phòng lên web (online.thinkfree.com): Với dịch vụ web viết bằng Java này bạn có thể làm gần đủ mọi thứ như với các ứng dụng Office (Word, Excel và Powerpoint) của Microsoft; bạn có thể đọc và ghi file .doc, .xls, .ppt và các định dạng file Office khác. Dịch vụ miễn phí này cho phép lưu tài liệu đến 30MB trực tuyến hoặc trên PC của bạn. Bạn có thể gửi các file đến một blog chỉ với một nhấn chuột. Đặc biệt, ThinkFree Office Online có thể lưu file ở định dạng PDF (Portable Document Format) của Adobe. (Lưu ý: thời gian tải applet về ban đầu có thể mất vài phút với đường truyền băng rộng và vài giờ với đường dial-up. Tuy nhiên sau đó applet chạy khá nhanh)

Website hay ứng dụng? Thật khó phân biệt với Office của ThinkFree

 

Chia sẻ ý tưởng với Writeboard (writeboard.com): Dịch vụ miễn phí của 37signals cho phép bạn tạo và lưu trữ tài liệu văn bản trực tuyến, bất kể số lượng. Thậm chí bạn có thể mời các cộng sự xem và chỉnh sửa. Chỉ việc đặt tên cho tài liệu, nhập địa chỉ email, thêm mật khẩu và thế là mọi thứ sẵn sàng để bạn chia sẻ ý tưởng. Giao diện hiển thị nổi bật những chỉnh sửa của bạn, việc gửi email đến các cộng sự đơn giản và nhanh chóng. Dịch vụ này cũng có khả năng nhớ các phiên bản trước, vì vậy bạn có thể phục hồi các thay đổi.

Tạo blog nhanh chóng với Writely (www.writely.com): Giống như Writeboard, Writely là trình soạn thảo văn bản miễn phí chạy trên web, hỗ trợ làm việc cộng tác, lưu các phiên bản thay đổi, lưu trữ và hiển thị tài liệu trực tuyến. Dung lượng các file giới hạn 500KB, nhưng Writely nổi bật so với các dịch vụ khác ở chỗ cho phép bạn phát hành tài liệu lên blog và tải lên tài liệu bằng email.

Tổ chức lịch làm việc trực tuyến

 

Tổ chức công việc hiệu quả với dịch vụ Backpack của 37signals

Lưu dữ liệu vào Backpack (backpackit.com): Trước đây, mỗi khi muốn mang theo laptop khi đi công tác, bạn phải nạp tất cả các file cần thiết vào máy trước. Giờ đây bạn có thể đưa danh sách công việc cần làm, các ghi chú và các file cần thiết khác trên một trang web gọn gàng ngăn nắp. Backpack của 37signals, một công cụ tổ chức công việc cá nhân trên web, sẽ tự động gửi email hay gọi ĐTDĐ cho bạn khi công việc tới thời hạn. Backpack không chỉ dùng để tổ chức công việc cho cá nhân mà còn có thể dùng cho nhóm. Dịch vụ này cho phép lưu đến 5 trang và gửi 10 nhắc nhở miễn phí, nếu muốn thêm file và hình ảnh bạn phải trả phí từ 5-19USD/tháng. Người dùng có trả phí được sử dụng từ 25-1000 trang, 80-500MB dung lượng lưu trữ, và 100-300 nhắc nhở. Nếu không cần nhiều chức năng của Backpack, bạn có thể dùng phiên bản rút gọn của nó, TaDa Lists (tadalist.com).

Quản lý dự án với Basecamp (www.basecamphq.com): Basecamp cũng của 37signals, là bản cao cấp hơn Backpack. Đây là trình quản lý dự án hoàn chỉnh trên web cho phép bạn giám sát lịch công việc của các thành viên trong nhóm và các thông điệp có liên quan đến dự án. Dịch vụ này miễn phí cho 1 dự án, với các tính năng hạn chế; phí 12USD/tháng cho 3 dự án và phí 99USD/tháng cho số dự án không giới hạn.

Lên lịch làm việc với HipCal (hipcal.com): Nếu bạn cho rằng công cụ lịch làm việc trực tuyến rất chậm và có ít tính năng thì hãy thử sử dụng dịch vụ miễn phí này và có thể bạn sẽ ngạc nhiên. HipCal hấp dẫn vì có giao diện đẹp, sổ địa chỉ, lịch làm việc nhóm và thẻ nội dung. Dịch vụ này có thể gửi tin nhắn đến điện thoại di động của bạn khi gần đến giờ một cuộc hẹn.

Gửi thông báo nhắc lịch hẹn tới chính bạn hay người khác qua Planzo

 

Planzo giúp bạn luôn đúng giờ (www.planzo.com): Planzo: The Online Planning của Rising Concepts có những tính năng tiện lợi mà HipCal và các dịch vụ lịch làm việc trực tuyến khác không có, chẳng hạn gửi email thông báo một cuộc hẹn sắp đến. Giao diện của dịch vụ dễ tùy biến và bạn có thể đồng bộ lịch làm việc của mình với những người bạn cùng sử dụng dịch vụ này. Hai tính năng khác cho phép bạn đính kèm file và hình vào ghi chú, cũng như tạo danh sách công việc dùng chung.

Ghi chú vào self-Remember the Milk (www.rememberthemilk.com): Không đơn thuần quản lý danh sách công việc, Remember the Milk giống như trình quản lý lịch công việc hoàn chỉnh nhưng không trình bày ở dạng hàng-cột. Phân chia thời gian biểu theo công việc cá nhân, học hành và làm việc, bạn nhập các nhắc nhở công việc như ở các trình quản lý khác; bạn còn có thể tạo các lịch dùng chung cho cả nhóm làm việc. Remember the Milk khác biệt với các dịch vụ quản lý lịch trực tuyến miễn phí khác ở điểm hỗ trợ định dạng iCalendar dùng để nhập và xuất lịch làm việc, cũng như khả năng phát hành các công việc của bạn ở dạng nguồn tin.

CỘNG TÁC VÀ CỘNG ĐỒNG

Web là một nơi tuyệt vời để gặp những ý tưởng đồng điệu, chẳng hạn để chia sẻ cảm xúc về một bộ phim hay để tìm một công thức làm bánh mới.

Nghĩ theo nhóm

 

Yahoo 360 kết hợp blog, chia sẻ ảnh và các hoạt động web khác trong một trang web

Yahoo 360 cung cấp từ A đến Z (360.yahoo.com): Website cá nhân miễn phí của Yahoo cho bạn không gian trực tuyến không giới hạn để tạo blog hay chia sẻ ảnh, cho phép bạn đăng ký và chia sẻ các nguồn tin RSS. Bạn có thể truy cập Yahoo Mail, Messenger, Goups và các dịch vụ khác. Sau khi tải lên nội dung, bạn chỉ việc mời bạn bè viếng thăm công trình của mình, thậm chí họ không cần có tài khoản Yahoo.

Dàn hợp xướng Opera Community (my.opera.com): Rất giống Yahoo 360, dịch vụ miễn phí này cung cấp đến 300MB cho việc lưu trữ ảnh, blog hay cho việc tạo cộng đồng riêng của bạn. Thậm chí bạn không cần phải sử dụng trình duyệt Opera.

Danh bạ sinh viên Facebook (www.facebook.com): Theo TechCrunch.com, 85% sinh viên Mỹ có tài khoản trong danh bạ sinh viên trực tuyến này, và 70% trong số đó đăng nhập site này hàng ngày. Facebook cho phép bạn đưa hình và gửi thông điệp đến các thành viên khác, nhưng chủ yếu nó phổ biến là nhờ tính năng độc đáo sau: bạn có thể duyệt tìm hình của người nào đó, chẳng hạn như các sinh viên học cùng lớp Triết để mượn bài giảng của tuần rồi.

Friendster có mọi thứ (www.friendster.com): Giống Facebook nhưng không chỉ cho sinh viên, danh bạ cộng đồng trực tuyến này cho phép bạn đưa thông tin cá nhân, blog và album ảnh lên web, sau đó chờ xem có ai đó muốn kết bạn không. Friendster cho phép bạn chat với 1 người hay 1 nhóm. Dịch vụ này gần đây có thêm tính năng chia sẻ file ngang hàng.

Nơi giữ ảnh

Xem trình diễn ảnh với dịch vụ miễn phí của Flickr

 

Chia sẻ ảnh dễ dàng với Flickr (flickr.com): Dịch vụ miễn phí này của Yahoo cho phép bạn chia sẻ hình ảnh với mọi người trên thế giới hay chỉ với những người mà bạn muốn. Sau khi tải hình lên site này, bạn có thể tạo thẻ, tạo album, xem trình diễn slide và gửi hình đến các blog. Việc chuyển các hình lên site này dễ dàng hơn nếu bạn tải về và sử dụng tiện ích tải lên hàng loạt tiện lợi của Flickr, nó thêm lệnh "Send to Flickr" vào menu ngữ cảnh của IE. Flickr cho tải lên miễn phí 20MB ảnh mỗi tháng; tài khoản Pro (phí 25USD/năm) có thể tải lên đến 2GB/tháng.

Picaboo "lăng xê" ảnh của bạn (picaboo.com): Đây là site chia sẻ ảnh khá thú vị. Thay vì đưa từng bức ảnh riêng lẻ lên máy chủ Picaboo, bạn tải về phần mềm album ảnh miễn phí của Picaboo, tạo album trên PC của mình rồi tải lên máy chủ Picaboo để chia sẻ với những người do bạn chỉ định. Bạn có thể sử dụng một trong nhiều wizard tạo album của dịch vụ này hay tự trình bày lấy. Picaboo thu lợi nhuận bằng cách bán các ấn phẩm album (phần mềm cũng cho phép bạn tự in album), hình in và đĩa DVD trình diễn ảnh.

Chia sẻ địa chỉ web

Del.icio.us cho biết sinh hoạt trên web (del.icio.us): Muốn biết người ta đang quan tâm đến vấn đề gì? Hãy xem các địa chỉ web họ thường viếng thăm. Muốn xem của người khác thì bạn cũng phải chia sẻ thông tin của mình. Tên của site miễn phí này (vừa được Yahoo mua lại) hơi lạ, nhưng việc sử dụng nó thì đơn giản: đăng ký, đăng nhập, thêm 2 nút lệnh vào menu Links (IE) hay Bookmarks (Firefox) của trình duyệt và nhấn một nút để tải lên địa chỉ trang web hiện hành (bạn không thể tải lên một lần tất cả các bookmark hiện có). Bạn có thể tạo thẻ các địa chỉ web của mình và chia sẻ với tất cả mọi người hay chỉ cho bạn bè và đồng nghiệp.

 

Tạo kết nối nội dung dễ dàng bằng cách đưa từ khoá vào "clouds" của dịch vụ Del.icio.us

Digg săn lùng tin tức công nghệ (www.digg.com): Site tin tức công nghệ miễn phí Digg tương tự site Slashdot nổi tiếng, nhưng có 1 khác biệt lớn: Thay vì ban biên tập, độc giả sẽ quyết định bài viết nào quan trọng nhất thông qua việc "khai thác" (digg) - quá trình tương tự như tạo thẻ. Kết quả là các tin nổi bật có khuynh hướng xuất hiện trên Digg sớm hơn một chút so với Slashdot. Bạn có thể đơn thuần đọc các bài viết trên Digg như bất kỳ site tin tức nào (hoặc đăng ký nguồn tin của dịch vụ này), hay khám phá sâu hơn cộng đồng này bằng cách đăng ký và tạo trang Digg riêng của mình. Bạn cũng có thể khai thác Digg chỉ với 1 cái nhấn chuột để gửi các bài viết của nó đến blog của mình.

Flock duyệt web với trải nghiệm nhóm (www.flock.com): Trình duyệt miễn phí này (được xây dựng dựa trên Firefox của Mozilla Foundation) có tính đột phá mang tính cộng đồng. Mặc định, nó sử dụng các địa chỉ web ưa thích dùng chung của Del.icio.us và cho phép bạn tạo thẻ các trang web, lấy các nguồn tin và liên kết đến các dịch vụ blog lớn. Trình duyệt này còn hiển thị các hình thu nhỏ trong thanh công cụ Flickr của nó.

LibraryThing dành cho người yêu sách (www.librarything.com): Site này tương tự Del.icio.us nhưng chỉ chuyên về sách. Đầu tiên bạn sử dụng dịch vụ để lập thư mục tuyển tập sách của mình: Tạo thẻ các quyển sách chọn lọc theo chủ đề, chia sẻ thư mục của bạn với những người khác rồi sau đó duyệt qua các tựa sách có trên "kệ sách" của họ. Bạn có thể truy cập khoảng 200 đầu sách miễn phí; và tất cả đầu sách với phí 10USD/năm hay 25USD đóng một lần.

Chia sẻ nhanh với My Web 2.0 (myweb2.search.yahoo.com): Site tạo thẻ và đánh dấu địa chỉ web cá nhân này của Yahoo miễn phí và đơn giản. Không giống Del.icio.us, My Web 2.0 tải lên tất cả địa chỉ web của bạn một cách nhanh chóng và cho phép bạn chia sẻ dưới dạng nguồn tin. Dịch vụ này cũng cho phép bạn chia sẻ các thẻ của mình với một nhóm bạn hay đồng nghiệp.

Chia sẻ video

Thêm video cho blog của mình hay xem phim của người khác tại site Blip.tv

 

Blip.tv có đủ thứ (blip.tv): Bộ đồ nghề đa năng của video trực tuyến, Blip.tv cung cấp miễn phí blog video, podcast, tìm kiếm và chia sẻ. Bạn có thể tạo blog video trên site này hay liên kết đến các video clip ở blog của mình. Hầu hết các video của site này đều được tạo thẻ, Blip.tv có tạo nguồn tin các video mới tải lên rất tiện lợi. Hơn nữa, Blip.tv còn tự động gửi các video đến Internet Archive hay blog của bạn. Nó cũng gửi các liên kết video có tạo thẻ đến danh bạ địa chỉ web ở Del.icio.us và các hình thu nhỏ đến Flick.Blip.tv.

ClipShack chuyển video thành Flash (www.clipshack.com): Không cung cấp đầy đủ tính năng như các site khác, nhưng dịch vụ miễn phí này cho phép đưa video lên mạng nhanh chóng và dễ dàng. ClipShack chuyển video của bạn thành dạng Flash, đảm bảo hầu hết mọi người đều có thể xem chúng mà không phải tải về thư viện bổ sung. Để liên kết đến một video clip, bạn chỉ cần copy và dán lệnh HTML vào blog của mình. Bạn cũng có thể đăng ký nguồn RSS chuyên cung cấp các video clip mới. Dung lượng tải lên giới hạn 50MB (site này có kế hoạch cung cấp dịch vụ có phí cho dung lượng lưu trữ lớn hơn).

Google khó khăn với video (video.google.com): Hầu hết các site chia sẻ video đều muốn trở thành Flickr để bạn dễ dàng giới thiệu tác phẩm của mình cũng như xem tác phẩm của người khác. Nhưng Google Video thì không. Tuy bạn có thể tải các video clip của mình lên site này nhưng đừng hy vọng chúng xuất hiện trên mạng - chúng phải được kiểm tra có đáp ứng các chuẩn mực của Google Video hay không. Dù sao dịch vụ miễn phí này cũng có điểm hay. Ví dụ, bạn có thể sử dụng các từ khoá để tìm các file video cũng như các video clip mẫu mà Google rộng lượng cung cấp.

Ourmedia.org cung cấp kho lưu trữ (ourmedia.org): Site miễn phí này cho tải lên file văn bản, hình, âm thanh và video; nó làm việc giống như một trạm trung chuyển cho Internet Archive (archive.org) - bạn phải đăng ký trên cả 2 site trước khi tải lên. Bạn có thể nhận tư liệu đóng góp của những người khác qua RSS, hay đơn giản duyệt tìm trên site này.

 

Dùng các thẻ của người khác bằng cách tìm ở site Wink

Vimeo tạo web video dễ dàng (www.vimeo.com): Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng càng sử dụng bạn càng phát hiện nhiều tính năng hay. Bạn có thể tải lên video dung lượng đến 20MB miễn phí mỗi tuần với bất kỳ định dạng nào tùy thích. Bạn cũng có thể tạo thẻ các video clip để tìm kiếm dễ dàng hơn và gửi các liên kết có tạo thẻ đến Del.icio.us để mời gọi người xem. Vimeo cho phép bạn gửi các hình thu nhỏ của các video clip đến tài khoản Flickr và phát các clip này thông qua nguồn tin RSS. (Lưu ý, một số nội dung của site này không phù hợp với trẻ em)

Mọi người đều là "sao" tại YouTube (www.youtube.com): Không có tính năng chia sẻ video và các công cụ phân loại như Blip.tv và Vimeo, nhưng dịch vụ miễn phí này cho phép bạn gửi lên các video clip trong tíc tắc. Dung lượng giới hạn 100MB và bạn phải tạo ít nhất 3 thẻ cho mỗi video clip thì YouTube mới chấp nhận. Để liên kết đến các clip từ blog của mình, bạn chỉ việc copy và dán lệnh HTML. YouTube chỉ cung cấp 1 nguồn tin các video mới tải lên gần nhất; giống như Vimeo, một số file video trên site này khá "nhạy cảm".

TÌM KIẾM VÀ BẢN ĐỒ

   

CHAT TRÊN WEB

 
 

Việc nhắn tin nhanh (IM hay chat) đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với nhiều người. Nhưng làm thế nào sử dụng khi máy tính không cài phần mềm IM? Hiện có 4 nhà cung cấp dịch vụ IM lớn (xem danh sách bên dưới) cung cấp trình IM chạy trên web, cho phép người dùng gửi và nhận tin nhắn với bất kỳ PC nào có kết nối Internet. Tuy nhiên, giải pháp web có bất tiện là phải ghi nhớ các địa chỉ, tên và mật khẩu cho nhiều dịch vụ IM. Meebo đáp ứng nhu cầu này với dịch vụ miễn phí đa năng của mình, hỗ trợ AIM, MSN Messenger, Yahoo Messenger và ICQ, cộng thêm dịch vụ Jabber (được Gtalk của Google sử dụng).
• AIM Express: www.aim.com
• ICQ2GO: www.icq.com/icq2go
• Meebo: www.meebo.com
• MSN Web Messenger:
webmessenger.msn.com
• Yahoo Web Messenger:
messenger.yahoo.com

 

Luôn có nhiều thứ để tìm tòi và khám phá trên mạng. Một số dịch vụ web thế hệ mới kết hợp kết quả tìm kiếm với bản đồ có thể giúp bạn hình dung về vị trí địa lý của những nơi cách xa hàng ngàn cây số.

Giao diện tìm kiếm mới

Odeo cho bạn làm việc với podcast (www.odeo.com): Dịch vụ miễn phí này có thể làm việc với podcast giống như những gì mà Blip.tv và các site khác làm với video. Mặc dù tính năng tải lên podcast của site này đang được xây dựng nhưng dù sao nó cũng cung cấp một cách thức tuyệt vời để tìm các file audio trên web mà không phải cài đặt iTunes trên máy tính. Khách viếng thăm có thể duyệt các podcast theo thẻ. Nếu có đăng ký, bạn có thể gắn thẻ cho podcast của mình (tính năng mà iTunes không có); bạn còn có thể đăng ký các kênh thông tin theo chủ đề và tải các file audio về iPod của mình.

Tự tạo quy tắc tại Rollyo (www.rollyo.com): Tên viết tắt của "roll your own search engine", nghĩa là tuyển chọn các dịch vụ và chủ đề tìm kiếm theo ý thích riêng của bạn, rồi chia sẻ thành quả với những người khác. Site miễn phí này cung cấp cho người dùng (có đăng ký) một số danh mục tìm kiếm khởi đầu và các danh mục tìm kiếm theo chủ đề của những người nổi tiếng. Bạn có thể đưa danh mục tìm kiếm Rollyo của mình vào thanh công cụ tìm kiếm của Firefox chỉ với một lần nhấn chuột, gửi danh mục này đến blog hay website của chính mình đơn giản bằng cách copy và dán các dòng lệnh HTML.

Tìm các blog theo chủ đề với Technorati

 

Technorati luôn nghe ngóng trên web (www.technorati.com): Google Blog Search (blogsearch.google.com) thực hiện rất tốt việc dò tìm các blog, nhưng cổng thông tin blog miễn phí của Technorati còn "cao tay" hơn. Bạn có thể tìm kiếm các blog, duyệt các thẻ hay danh sách Top 100 mà không phải đăng ký, hay sử dụng Blog Finder của site này để tìm các blog theo một chủ đề nào đó. Nếu có đăng ký, bạn được phép quảng bá blog của mình và thiết lập danh sách chủ đề quan tâm để Technorati theo dõi cho bạn.

Tìm thông minh với Wink (www.wink.com): Các dịch vụ tìm kiếm chỉ làm tốt với thuật toán tìm kiếm. Việc "đãi vàng" từ các kết quả trả về thường đòi hỏi người dùng phải đọc qua và lược bỏ nhiều liên kết chỉ có liên hệ xa với cái cần tìm.

Dịch vụ tìm kiếm miễn phí Wink có tích hợp yếu tố con người, duyệt qua các site có tạo thẻ như Del.icio.us, Digg, Flickr và rút ra những kết quả tìm kiếm phù hợp nhất. Thiết lập các tập hợp tìm kiếm theo kiểu Rollyo dựa trên các thẻ, đồng bộ với Del.icio.us và My Web 2.0 của Yahoo.

Bản đồ và mashup

Nghe cả thế giới với Freesound (freesound.iua.upf.edu/geotagsView.php): Nhắm mắt lại và bạn có thể tưởng tượng như đang ngồi tại quán cà phê lề đường ở một thành phố châu Phi náo nhiệt hoặc đang thư giãn nghe tiếng sóng biển rì rào ở một bờ biển châu Âu vắng vẻ. Những âm thanh này và nhiều âm thanh khác (chủ yếu là âm thanh tự nhiên) trên site miễn phí độc đáo này được liên kết với Google Maps.

Site Geobloggers cho phép lấy hình từ Flickr

 

Ngao du với Google Earth (earth.google.com): Không đơn thuần là một website, Google Earth giống như một ứng dụng chạy trên PC, cho phép bạn "bay" trên địa cầu ảo được xây dựng từ ảnh vệ tinh. Bạn có thể tìm công ty hay người, xem ảnh 3D của các thành phố và định hướng đường đi cùng cự ly. Quan trọng hơn, thư viện API của ứng dụng này sinh ra một thế hệ mashup (ứng dụng web kết hợp thông tin từ nhiều nguồn) có những chức năng tìm kiếm chuyên biệt. Bạn cũng có thể sử dụng Google Earth Plus (phí 20USD) để nhập bản đồ của mình có tính năng GPS.

Bay với Windows Live Local (local.live.com): Site miễn phí này (trước đây là MSN Virtual Earth) kết hợp dịch vụ MapPoint của Microsoft với các ảnh vệ tinh từ TerraServer. Trong khi Google Earth dựa trên các thành phần tải về trên PC, Windows Live Local cho phép bạn bay trên lãnh thổ trong trình duyệt. Site này có điểm hạn chế: Bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ, hầu hết ảnh chụp từ vệ tinh đều không rõ ràng. Tương tự Google Maps, thư viện API của dịch vụ này cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo ứng dụng của riêng mình.

   

TÌM VIỆC VỚI WEB THẾ HỆ MỚI

 
 

Hai dịch vụ web mới nhất được thiết kế đặc biệt để giúp bạn tìm việc. Indeed (www.indeed.com) và Simply Hired (www.simplyhired.com) thu thập thông tin từ nhiều site việc làm (trong đó có những site việc làm hàng đầu như Careermole, Craiglist, Dice và Monster). Chúng cho phép bạn sàng lọc những chủng loại công việc không mong muốn và lưu kết quả tìm kiếm dưới dạng nguồn tin RSS hay thông báo email nhằm đảm bảo bạn được cập nhật các công việc mới hàng ngày. Ví dụ, Simply Hired cho phép bạn đưa các công việc có triển vọng vào Google Map để so sánh thời gian đi lại. Tính năng Jobroll của Indeed cho phép bạn biến việc tìm kiếm một công việc thành một hộp thông tin luôn cập nhật và bạn có thể copy và dán vào blog hay trang web của mình như một dịch vụ.

 

Xem trước với Google Maps Web Cam Locator (find.pcworld.com/50546): Xem trước thời tiết ở nơi bạn sắp đến, hay thực hiện tham quan ảo ở site này với các webcam "gắn" trên Google Map. Nhấn một biểu tượng webcam trên bản đồ để xem trong cửa sổ pop-up. Nhấn một lần nữa để xem trong cửa sổ lớn hơn, gồm thời tiết và một số thông tin khác. Thậm chí bạn có thể thêm webcam của mình vào bản đồ.

Thông tin địa lý ở GeoBloggers (geobloggers.com): Thắc mắc về địa điểm của ảnh chụp khu nghỉ mát tuyệt đẹp tìm thấy trên web? Muốn giới thiệu với bạn bè nơi bạn vừa trải qua mùa hè thú vị? Site GeoBloggers miễn phí sử dụng thẻ địa lý cho ảnh của bạn trên Flickr để đặt trên Google Map. Khách viếng thăm có thể bay đến điểm bản đồ của ảnh và thực hiện tìm kiếm trong vùng dùng Google Earth. Họ cũng có thể nhảy đến trang Flickr của bạn hay tải về file bản đồ GPX để tải lên thiết bị GPS.

 

TẠO DỊCH VỤ WEB CỦA RIÊNG MÌNH

 

 
 

Nếu không thích cách thức làm việc của Craigslist, Flickr hay Google Maps, bạn có thể thay đổi cách thức thể hiện thông tin của các site này hay kết hợp thông tin từ một site này lên một site khác. ProgrammableWeb (www.programmableweb.com) có sẵn hàng trăm ứng dụng web kết hợp thông tin từ nhiều nguồn được gọi là mashup, gồm bản đồ Google của các ngôi đền Hindu, trình bảo vệ màn hình Flickr và công cụ so khớp của dịch vụ hẹn hò HotOrNot.com.
Việc tạo một mashup yêu cầu kiến thức về JavaScript. Tuy không thay thế các kỹ năng lập trình thực sự, Ning (www.ning.com) cho phép bạn thiết lập danh sách phân loại của riêng mình, chia sẻ ảnh, hay tạo site dùng chung mà không phải viết một dòng lệnh nào.
Bạn có thể chỉnh sửa một trong hàng ngàn ứng dụng hiện có trên site này và tạo một chương trình độc đáo theo thiết kế của riêng mình chỉ trong vài phút.

 

 

Maplandia.com đem cả thế giới đến PC (www.maplandia.com): Dịch vụ miễn phí này đặt giao diện địa phương trên Google Maps, tổ chức các bản đồ của site và các ảnh vệ tinh theo lục địa và quốc gia. Muốn xem bản đồ của Colombia? Chỉ cần 2 lần nhấn chuột. Maplandia tạo các liên kết HTML và bạn có thể dán vào blog của mình để hiển thị bản đồ.

Trulia có ích cho người tìm nhà (www.trulia.com): Cái gì có thể tạo mashup tốt hơn là bản đồ và danh sách địa ốc? Site miễn phí này khởi đầu khiêm tốn chỉ dẫn đường đi đến các ngôi nhà cần bán ở một vài thành phố tại San Francisco Bay Area, nhưng mục tiêu của nó là mở rộng khắp nước Mỹ. Gõ vào tên một thành phố hay mã vùng (zip code) vào ô tìm kiếm của Trulia để xem danh sách các điểm đánh dấu trên bản đồ. Dùng thiết lập Hybrid của Google Maps, bạn có thể tìm thấy ngay những ngôi nhà nào gần bờ biển và cách xa lộ lớn.

 

Tìm nhà trực tuyến với Trulia

Chọn ảnh với Terra Server (www.terraserver.com): Bạn không chỉ có thể tìm cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh này theo thành phố, bang và quốc gia mà còn chọn được hình ảnh từ các nguồn cung cấp khác nhau, bạn có thể mua bản đồ in với giá từ 7-150USD. Dịch vụ này bán ảnh vệ tinh của hàng trăm địa điểm nổi tiếng như Notre Dame Catheral ở Paris, Lambeau Field ở Green Bay, Wisconsin... Bạn có thể sử dụng thư viện API để tạo ứng dụng lấy hình ảnh từ TerraServer (tương tự Google Maps).

Yahoo Maps hỗ trợ mashup (maps.yahoo.com/beta): Dịch vụ bản đồ miễn phí mới tinh của Yahoo nhằm cạnh tranh với Google Maps và Windows Live Local, tuy nhiên nó có khác biệt quan trọng - không dùng ảnh vệ tinh. Dù sao, thư viện API của Yahoo cũng cho phép bạn tạo các mashup của riêng mình và trình điều hướng thông minh của nó cho phép di chuyển trên bản đồ dễ dàng.

 

WIDGET BƯỚC RA NGOÀI TRÌNH DUYỆT

 
 

Các công nghệ tạo nên thế hệ web mới còn được áp dụng bên ngoài trình duyệt. Widget là ứng dụng nhỏ có thể chạy trong trình duyệt hoặc làm việc như chương trình độc lập. Widget có thể dùng để theo dõi thời tiết, giám sát nguồn pin, định dạng lại trang web và tìm kiếm các kết quả hay làm bất cứ điều gì khác mà người ta có thể nghĩ ra cách thực hiện với ngôn ngữ kịch bản. Dưới đây là 3 trong số những widget thông dụng:
• Yahoo Widgets (widgets.yahoo.com)): trước đây là Konfabulator, chương trình miễn phí của Yahoo cho Windows XP và Mac OS X chạy các ứng dụng JavaScript bên ngoài trình duyệt. Các widget trôi trên desktop (trông giống các widget trong OS X) gồm đồng hồ, thông tin thời tiết, danh sách công việc, trình diễn ảnh từ Flickr, màn hình giám sát nguồn pin và tín hiệu Wi-Fi. Website này cung cấp hơn 1000 widget và còn có hướng dẫn để bạn tự viết widget.
• Greasemonkey (greasemonkey.mozdev.org): Phần bổ sung miễn phí cho Firefox này chạy chương trình JavaScript (gọi là "user script") để thay đổi cách thức trang web xuất hiện hay hành xử. Sau khi bạn cài đặt chương trình, duyệt đến site Userscripts.org để xem bộ tuyển tập các thẻ (gọi là "cloud") của các loại user-script. Một trong những widget được ưa thích là Greasemonkey bổ sung Google Blog-search vào trang tìm kiếm Google.
• Klipfollo (www.serence.com): Trông rất giống trình chat (IM), widget miễn phí này thu thập các nguồn tin RSS và thông tin phức hợp khác (như thời tiết). Tuy nhiên, không giống các trình đọc RSS thông thường, Klipfollo cho phép bạn tìm các nguồn tin và gửi cho bạn thông báo khi từ khóa tìm kiếm của bạn xuất hiện.

 

Nguyễn Lê
PC World Mỹ 2/2006



Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Web thế hệ mới

0 nhận xét

Đăng nhận xét