Pages

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

“Xin chu” dau nam

Số lượt xem: 672
Gửi lúc 16:44' 14/01/2010

"Xin chữ" đầu năm


"Xin chữ" đầu năm là một nét văn hóa truyền thống Việt đến nay vẫn được lưu giữ, với mong muốn năm mới sẽ đạt được nhiều điều tốt lành. Những chữ được nhiều người xin (đại đa số là Hán tự) thường là: Phúc, Lộc, Thọ, Nhân, Nghĩa, Tín, Tâm, Tài, Nhẫn… Doanh nhân, doanh nghiệp nếu có "xin chữ" đầu năm, nên chọn chữ gì là hay nhất? Xin thưa, đó là chữ "Tín".

 

"Khách hàng là thượng đế", "Khách hàng là ân nhân"… lâu nay là những câu cửa miệng của nhiều nhà phân phối, nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều chuyện đôi khi "cười ra nước mắt" vì "thượng đế" và "ân nhân" lại chính là người phải gánh chịu hậu quả của những hành vi gian dối, coi thường và thất tín của một số doanh nghiệp.

 

Những chuyện trớ trêu

Một công ty sữa tầm cỡ quốc gia nhập nguyên liệu sữa bột, đem về pha chế và dán cho nó cái mác "sữa tươi" 100% rồi quảng cáo rầm rộ. Một doanh nghiệp lớn ngành thực phẩm mỗi ngày xẻ thịt hàng trăm con trâu nhưng chưa bao giờ thấy thương hiệu này rao bán thịt trâu hoặc sản phẩm chế biến từ thịt trâu bao giờ. Một công ty bảo hiểm uy tín khi bị khách hàng đòi bồi thường thiệt hại lại "phán" rằng "ra ủy ban xã mà đòi bồi thường thiệt hại"… Những chuyện đại loại như vậy  không phải là chuyện lạ trong kinh doanh ở nước ta.

Vừa rồi, Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh hàng không Đông Nam Á (ASEAN EXPRESS) khi nhận chuyển 10.000 thư bảo đảm của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển Thương hiệu Việt gửi cho khách hàng chỉ chuyển một số ít thư đi rồi yêu cầu Trung tâm Thương hiệu Việt thanh toán toàn bộ phí chuyển 10.000 thư này. Khi phát hiện ra vụ việc, Trung tâm Thương hiệu Việt đã yêu cầu ASEAN EXPRESS gửi danh sách khách hàng ký nhận bưu phẩm số thư trên để thanh toán thì… không có. Để đối phó với khách hàng, ASEAN EXPRESS đã thuê Công ty Dịch vụ thu nợ Dân An đến để… đòi nợ thuê. Rồi một loạt các biện pháp "khủng bố" nghiệp vụ bằng cách viết đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an và chính quyền địa phương, rồi lại dùng "công văn đòi nợ" với lời lẽ hăm dọa kiểu xã hội đen, trong khi Trung tâm Thương hiệu Việt chỉ có yêu cầu đơn giản là cung cấp bằng chứng khách hàng đã ký nhận số thư đã chuyển đi và gửi trả số thư bị trả về do không đúng địa chỉ.

Một trường hợp khác: Công ty TNHH Ý tưởng Công nghệ Việt nhận làm Source Code cho khách hàng với hợp đồng và phụ lục đã thống nhất rất chi tiết. Thế nhưng sau 50 ngày từ khi ký hợp đồng, bên bán chỉ giao cho bên mua được khoảng 10% sản phẩm (chậm mất 40 ngày). Khi khách hàng yêu cầu Công ty này cho biết bao giờ có thể giao hàng và khả năng thực hiện được hay không thì mọi chuyện rắc rối bắt đầu xảy ra…

Và tất nhiên, những chuyện kể trên không phải là cá biệt mà thực tế hiện nay có đến hàng ngàn sự việc "cười ra nước mắt" kiểu như vậy.

 

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Thông thường, những bi kịch "lừa dối người tiêu dùng" đều rơi vào những hoàn cảnh "thượng đế" thiếu cảnh giác, thận trọng như: khi mua không lấy hóa đơn, hợp đồng cam kết không rõ ràng… Khi gặp "sự cố" thì khách hàng thân cô thế cô, giá trị món hàng lớn còn đâm đơn kiện chứ vài ba triệu đồng thì thôi đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". Trong khi đó, các doanh nghiệp có cả một quy trình chuẩn bị kỹ càng từ việc hợp đồng soạn sẵn với những chi tiết quanh co bí hiểm đến  đội ngũ nhân viên được "đào tạo chuyên nghiệp" luôn lắm mưu nhiều kế nên dù có kiện cũng khó mà thắng nổi.

Có thể nói, người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen tự bảo vệ bằng cách trang bị những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm trong việc tiêu dùng, mua sắm. Nếu ngồi chờ người khác bảo vệ quyền lợi cho mình với những thủ tục rối rắm, nhiêu khê, mất thời gian mà có khi lại chẳng được gì thì tốt nhất nên tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định và hãy là những người tiêu dùng thông thái. Khi mua sắm, xin hãy tìm đến những thương hiệu và cửa hàng có uy tín; cương quyết từ chối hàng gian, hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Và cũng đừng vì thấy rẻ mà tỏ ra "quyến luyến" những sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng. Ông bà ta đã từng nói: "Của rẻ là của ôi" hoặc "Tiền nào của nấy".

 

Chữ Tín: nền tảng phát triển bền vững

Còn nhớ cách đây gần chục năm, Công ty An Phước khi đó là một doanh nghiệp non trẻ mới đặt chân vào thị trường thời trang cao cấp. Một sự cố nho nhỏ xảy ra khi có khách hàng từ Hà Nội báo cho biết rằng họ không hài lòng với sản phẩm của An Phước. Cụ thể là chiếc sơ-mi nhãn hiệu An Phước mới mua đã bị biến dạng sau một lần giặt. Dù chỉ là một chiếc áo trị giá vài trăm ngàn đồng nhưng An Phước đã cử ngay đại diện bay gấp trong đêm để sáng hôm sau gặp khách hàng nói trên. Việc đầu tiên là xin lỗi khách hàng và sau đó là truy tìm nguyên nhân thì mới vỡ lẽ ra do khách hàng này không xem kỹ phần hướng dẫn kèm theo sản phẩm nên vô ý để nước quá nóng và tốc độ giặt quá cao khiến cho chiếc áo bị biến dạng… Thái độ và cách xử lý sự cố của An Phước chính là một trong những nhân tố làm cho An Phước trở thành một trong những thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Có thể do lịch sử chúng ta có cuộc chiến tranh vệ quốc trường kỳ nên nhân dân ta đã quen với sự giản dị, lòng vị tha và chịu đựng. Từ khi có chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế thị trường hình thành, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng cũng ngày một nhiều hơn nên vai trò của người tiêu dùng được các doanh nghiệp tôn là "thượng đế", là "ân nhân", là "trên hết"… Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được điều này và vẫn còn thói quen kinh doanh kiểu chụp giựt, gian dối, lợi dụng lòng tin của khách hàng để trục lợi.

Người tiêu dùng vị tha tuy bỏ qua chuyện khiếu nại, kiện tụng khi bị lừa dối nhưng hình ảnh thương hiệu đã một lần lừa dối họ sẽ bị hoen ố và luôn khắc sâu trong tâm khảm họ. Và hậu quả tất yếu là cỗ xe thương hiệu dù lớn đến đâu cũng sẽ có ngày sa lầy thảm hại.

 


Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - "Xin chữ" đầu năm

0 nhận xét

Đăng nhận xét